Mức phạt chậm tiến độ hợp đồng xây dựng là bao nhiêu?

1. Mức phạt chậm tiến độ hợp đồng xây dựng là bao nhiêu?

Trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng, vấn đề chậm tiến độ so với hợp đồng là việc khó tránh khỏi. Nó có thể xuất phát từ nguyên nhân khách quan hoặc do lỗi của các bên trong hợp đồng. Việc chậm tiến độ sẽ làm kéo dài thời hạn hợp đồng, phát sinh thêm chi phí cho hoạt động xây dựng.

Xuất phát từ lý do đó, phạt chậm tiến độ hợp đồng xây dựng là một điều khoản quan trọng trong hợp đồng lao động mà các bên cần lưu ý. Mức phạt vi phạm sẽ do các bên thỏa thuận nhưng phải tuân theo quy định pháp luật.

Theo khoản 2 Điều 147 Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020, mức phạt được quy định như sau: Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Dựa trên quy định của luật, các bên thỏa thuận mức phạt chậm tiến độ hợp đồng xây dựng cụ thể trong hợp đồng xây dựng.

Ngoài ra, bên làm chậm tiến độ trong một số trường hợp sau còn bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định như sau:

  • Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp thực hiện dự án đầu tư phát triển khu đô thị không tuân theo quy hoạch đô thị hoặc chậm so với tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt (điểm a khoản 1 Điều 14);
  • Phạt tiền từ  400.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với trường hợp triển khai xây dựng dự án kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở chậm tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (điểm c khoản 3 Điều 58);
  • ……

Như vậy, việc chậm tiến độ gây ra nhiều ảnh hưởng đối với các bên trong hợp đồng, cũng như phát sinh các khoản phạt đối với bên vi phạm.

2. Các bên có quyền chấm dứt hợp đồng khi chậm tiến độ theo hợp đồng không?

Khoản 2, khoản 3 Điều 145 Luật xây dựng năm 2014 quy định về quyền chấm dứt hợp đồng xây dựng của các bên như sau:

2. Bên giao thầu có quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng trong trường hợp sau:

a) Bên nhận thầu bị phá sản hoặc giải thể;

b) Bên nhận thầu từ chối hoặc liên tục không thực hiện công việc theo hợp đồng dẫn đến vi phạm tiến độ thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng.

c) Bên nhận thầu có quyền chấm dứt hợp đồng trong trường hợp sau:

i) Bên giao thầu bị phá sản hoặc giải thể;

ii) Do lỗi của bên giao thầu dẫn tới công việc bị dừng liên tục vượt quá thời hạn đã thỏa thuận của các bên, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

iii) Bên giao thầu không thanh toán cho bên nhận thầu vượt quá thời hạn đã thỏa thuận của các bên kể từ ngày bên giao thầu nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Như vậy, có thể thấy rằng hai bên giao thầu và nhận thầu có thể chấm dứt hợp đồng xây dựng nếu như bên còn lại làm chậm tiến độ thực hiện.

>> Xem thêm: Xử lý gói thầu khi nhà thầu vi phạm hợp đồng, không còn năng lực thực hiện hợp đồng như thế nào?

3. Trách nhiệm của các bên khi làm chậm tiến độ hợp đồng xây dựng

Căn cứ theo Khoản 3, khoản 4 Điều 146 Luật xây dựng năm 2014 quy định:

3. Bên nhận thầu phải bồi thường thiệt hại cho bên giao thầu trong các trường hợp sau:

a) Chất lượng công việc không bảo đảm với thỏa thuận trong hợp đồng hoặc kéo dài thời hạn hoàn thành do lỗi của bên nhận thầu gây ra;

b) Do nguyên nhân của bên nhận thầu dẫn tới gây thiệt hại cho người và tài sản trong thời hạn bảo hành.

4. Bên giao thầu phải bồi thường cho bên nhận thầu trong các trường hợp sau:

a) Do nguyên nhân của bên giao thầu dẫn tới công việc theo hợp đồng bị gián đoạn, thực hiện chậm tiến độ, gặp rủi ro, điều phối máy, thiết bị, vật liệu và cấu kiện tồn kho cho bên nhận thầu;

b) Bên giao thầu cung cấp tài liệu, điều kiện cần thiết cho công việc không đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng làm cho bên nhận thầu phải thi công lại, tạm dừng hoặc sửa đổi công việc;

c) Trường hợp trong hợp đồng xây dựng quy định bên giao thầu cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị, các yêu cầu khác mà cung cấp không đúng thời gian và yêu cầu theo quy định;

d) Bên giao thầu chậm thanh toán theo thỏa thuận trong hợp đồng.

……

Như vậy, ngoài mức phạt chậm tiến độ hợp đồng xây dựng như đã nêu, bên có lỗi trong việc gây ra tình trạng chậm tiến độ hợp đồng xây dựng còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên kia, cụ thể:

  • Bên nhận thầu phải bồi thường thiệt hại cho bên giao thầu trong trường hợp chất lượng công việc không bảo đảm với thỏa thuận trong hợp đồng hoặc kéo dài thời hạn hoàn thành do lỗi của bên nhận thầu gây ra.
  • Bên giao thầu phải bồi thường cho bên nhận thầu trong trường do nguyên nhân của bên giao thầu dẫn tới công việc theo hợp đồng bị gián đoạn, thực hiện chậm tiến độ, gặp rủi ro, điều phối máy, thiết bị, vật liệu và cấu kiện tồn kho cho bên nhận thầu.

Các bên có thể thỏa thuận cách xác định thiệt hại mà bên vi phạm phải bồi thường vào điều khoản cụ thể của hợp đồng xây dựng.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Minh Vương gửi đến bạn. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về Mức phạt chậm tiến độ hợp đồng xây dựng là bao nhiêu ? Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:

Bạn có thể thích