Pháp nhân là gì? Phân loại, điều kiện để có tư cách pháp nhân

1. Pháp nhân là gì 

Pháp nhân được quy định tại điều 74 Bộ luật dân sự 2015. Tuy không quy định cụ thể về khái niệm, nhưng qua các điều kiện thì có thể đưa ra một khái niệm cơ bản của pháp nhân.

Pháp nhân là một tổ chức (một chủ thể pháp luật) có tư cách pháp lý độc lập, có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội… theo quy định của pháp luật. Đây là một khái niệm trong luật học dùng để phân biệt với thể nhân (cá nhân) và các tổ chức khác.

Nếu một tổ chức có “tư cách pháp nhân” thì tổ chức đó có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một pháp nhân mà luật đã quy định.

>> Xem thêm: Ai có nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự

2. Phân loại pháp nhân

– Pháp nhân thương mại 

Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Pháp nhân thương mại hoạt động bởi 2 mục tiêu chính:

  • Một là, tạo ra lợi nhuận;
  • Hai là, chia đều lợi nhuận cho các thành viên.

Ví dụ: Công ty cổ phần Vingroup là pháp nhân thương mại.

– Pháp nhân phi thương mại

Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân hoạt động với mục tiêu chính không phải là tìm kiếm lợi nhuận. Trường hợp, pháp nhân phi thương mại hoạt động có lợi nhuận thì lợi nhuận này cũng không được chia cho các thành viên.

Pháp nhân phi thương mại bao gồm:

  • Cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân;
  • Tổ chức chính trị;
  • Tổ chức xã hội.

3. Điều kiện để được công nhận là một tổ chức có tư cách pháp nhân như thế nào?

Theo Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, một tổ chức, tạp thể được công nhận là có tư cách pháp nhân khi đạt đủ 4 điều kiện sau:

  • Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
  • Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
  • Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
  • Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Tổ chức phải được thành lập theo quy định của pháp luật 

Theo như định nghĩa thì rõ ràng pháp nhân không phải là một người (một cá nhân) mà phải là một tổ chức. Tổ chức này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập. Vì thế tổ chức đó được công nhận là có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận thành lập.

Ví dụ: Khi thành lập doanh nghiệp, công ty cổ phần hay công ty TNHH (các pháp nhân) đều phải được thành lập hợp pháp. Tức là phải đăng ký và được Sở kế hoạch đầu tư tỉnh, thành phố mà nơi công ty đóng trụ sở cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Tổ chức phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ

Theo điều 83 Bộ luật dân sự 2015, pháp nhân phải là một tổ chức có cơ cấu quản lý chặt chẽ:

“1. Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.

2. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.”

Như vậy một tổ chức muốn trở thành pháp nhân phải có điều lệ hoặc quyết định thành lập pháp nhân. Trong điều lệ và quyết định thành lập phải có quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành pháp nhân.

Tổ chức có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình

Pháp nhân là tổ chức độc lập để xác lập quyền và nghĩa vụ trong hoạt động của nó, nên bắt buộc phải có tài sản độc lập. Có tài sản độc lập mới có thể tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình đối với các giao dịch, quyền và nghĩa vụ mà nó xác lập.

Ví dụ: Khi mở công ty cổ phần, các cổ đông mua cổ phần, góp vốn vào công ty. Thì tài sản này phải độc lập với tài sản của các cổ đông. Công ty chịu trách nhiệm với tài sản của công ty.

Hoặc một trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân dù được thành lập hợp pháp là Doanh nghiệp tư nhân. Vì tài sản của doanh nghiệp tư nhân không tách biệt với tài sản cá nhân – chủ doanh nghiệp tư nhân đó.

Tổ chức có thể nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập

Tổ chức có thể nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập là một trong những điều kiện quan trọng để có tư cách pháp nhân.

Vì pháp nhân là một tổ chức độc lập, được quyền giao dịch, xác lập quyền và nghĩa vụ nên bắt buộc nó có thể tự nhân danh chính mình.

Pháp nhân có quyền nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật thông qua người đại diện theo pháp luật.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Minh Vương gửi đến bạn. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về Pháp nhân là gì? Phân loại, điều kiện để có tư cách pháp nhân. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:

Công ty Luật TNHH Minh Vương

Địa chỉ: Số 114 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội

Điện thoại: 0975.981.094

Email: hangluatminhvuong@gmail.com

Bạn có thể thích