Trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” theo kết luận, để được thuận lợi thực hiện các chuyến bay đưa người từ nước ngoài về Việt Nam, cả hai bị can Sơn và Hằng đã trực tiếp hoặc thông qua mối quan hệ đặt vấn đề, đưa hối lộ cho các cá nhân có nhiệm vụ, quyền hạn để được phê duyệt, hỗ trợ tổ chức chuyến bay; phê duyệt chủ trương cách li y tế, cấp phép vượt số lượng khách. Vậy hành vi đưa hối lộ của Sơn và Hằng sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
I. Căn cứ pháp lý
Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017)
II. Nội dung
2.1. Các yếu tố cấu thành tội phạm
– Chủ thể của tội phạm
Chủ thể tội đưa hối lộ không phải là chủ thể đặc biệt. Tuy nhiên, người phạm tội đưa hối lộ cũng có thể là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để đưa hối lộ, nhưng không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này.
Những người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 289 Bộ luật hình sự, vì các trường hợp phạm tội này là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Người dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 289 Bộ luật hình sự mà chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội đưa hối lộ quy định tại khoản 1 của điều luật chỉ là tội phạm nghiêm trọng.
– Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội đưa hối lộ là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức mình bị thoái hoá biến chất.
– Mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan
Người phạm tội chỉ có hành vi khách quan duy nhất là “đưa”. Nhưng biểu hiện của hành đưa hối lộ rất đa dạng. Có trường hợp người phạm tội trực tiếp đưa hối lộ cho người nhận hối lộ, có trường hợp qua trung gian (người môi giới) để đưa hối lộ cho người nhận hối lộ, có trường hợp người đưa hối lộ dùng thủ đoạn tinh vi xảo quyệt không trực tiếp đưa hối lộ cho người nhận hối lộ cũng không qua trung gian mà tìm cách mua chuộc những người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn…
b. Hậu quả
Hậu quả của tội phạm này không phải dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu của hối lộ chưa đến 500.000 đồng thì hậu quả lại là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng phải là hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng do hành vi đưa hối lộ là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của con người; những thiệt hại về tài sản, uy tín của cơ quan, tổ chức và những thiệt hại phi vật chất khác. Hành vi đưa hối lộ gây ra hậu quả nghiêm trọng, được xác định như là một nguyên nhân gián tiếp.
– Mặt chủ quan của tội phạm
Tội đưa hối lộ người thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Động cơ phạm tội tuy không phải là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm này, nhưng hầu hết các trường hợp đưa hối lộ đều có động cơ.
2.2. Hình phạt đối với tội đưa hối lộ
Căn cứ theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015(sửa đổi bổ sung năm 2017) thì chia làm 2 khung:
Khung cơ bản: phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Khung tăng nặng: Cụ thể:
• Khung tăng nặng thứ nhất: phạt tù từ 02 năm đến 07 năm;
• Khung tăng nặng thứ hai: phạt tù từ 07 năm đến 12 năm;
• Khung tăng nặng thứ ba: phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Như vậy mức khung “trần” cho tội đưa hối lộ theo Bộ luật hình sự năm 2015 là 20 năm.
Ngoài ra Luật cũng quy định hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Minh Vương gửi đến bạn. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:
Công ty Luật TNHH Minh Vương
Địa chỉ: Số 114 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0975.981.094
Email: hangluatminhvuong@gmail.com