Anh Đinh Văn Q (huyện Y, tỉnh Nghệ An) cho biết thời gian gần đây xuất hiện trào lưu (hay còn gọi là “trend”) “mỗi mái nhà là một lá Cờ Tổ quốc” để chào mừng kỷ niệm ngày Quốc Khánh 2/9. Trào lưu này hiện đang được lan tỏa trong cộng đồng mạng và nhanh chóng nhận sự hưởng ứng của nhiều người.
Anh Q hỏi: “Trend” vẽ Cờ Tổ quốc trên mái nhà có vi phạm pháp luật không? Nếu được thực hiện thì việc vẽ Cờ Tổ quốc trên mái nhà phải tuân thủ những quy định gì?
Trả lời:
Xuất phát từ việc thể hiện tình yêu đất nước, đoàn kết dân tộc và khẳng định chủ quyền của Tổ quốc, hiện nay, rất nhiều cá nhân, tổ chức đã và đang thực hiện trào lưu (“trend”) vẽ Quốc kỳ – Cờ Tổ Quốc lên mái nhà nhân dịp Lễ Quốc Khánh 2/9. Việc vẽ Cờ Tổ quốc lên mái nhà là việc làm pháp luật không cấm nhưng cá nhân, tổ chức phải tuân thủ quy định về Quốc kỳ để không vi phạm quy định của pháp luật. Trường hợp cá nhân, tổ chức nào thực hiện “trend” vẽ Cờ Tổ quốc lên mái nhà với mục đích cố ý xúc phạm Quốc kỳ hoặc với mục đích quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ thì bên cạnh việc bị xử phạt vi phạm hành chính thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, nếu cá nhân, tổ chức nào thực hiện việc vẽ Cờ Tổ quốc với mục đích quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ thì đây là hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo. Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, đồng thời phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo. Đối với tổ chức có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Trường hợp nếu cá nhân, tổ chức thực hiện việc vẽ Cờ Tổ quốc lên mái nhà với mục đích cố ý xúc phạm Quốc kỳ thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo quy định tại Điều 351 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về “Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca”.
Do đó, khi thực hiện “trend” vẽ Cờ Tổ quốc lên mái nhà thì cá nhân, tổ chức phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật về sử dụng Quốc kỳ và các quy định pháp luật khác có liên quan. Tuyệt đối không được xúc phạm Quốc kỳ, không quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ. Đồng thời, việc vẽ Cờ Tổ quốc phải theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 13 Hiến pháp 2013: “Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”. Về tỷ lệ, kích thước, màu sắc, hình dáng Quốc kỳ thực hiện theo quy định chi tiết tại mục I của Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL ngày 02/10/2012 của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch. Theo đó, Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh; Điểm giữa ngôi sao vàng đặt đúng điểm giữa (điểm giao nhau của hai đường chéo) Quốc kỳ; Khoảng cách từ điểm giữa ngôi sao đến đầu cánh sao bằng một phần năm chiều dài của Quốc kỳ; Một cánh sao có trục vuông góc với cạnh dài Quốc kỳ và hướng thẳng lên phía trên theo đầu cột treo Quốc kỳ; Tạo hình ngôi sao: từ đầu cánh sao này đến đầu cánh sao đối diện là đường thẳng, không phình ở giữa, cánh sao không bầu; Hai mặt của Quốc kỳ đều có ngôi sao vàng trùng khít nhau; Nền Quốc kỳ màu đỏ tươi, ngôi sao màu vàng tươi.
Có thể nói, “trend” vẽ Cờ Tổ quốc lên mái nhà là một trong những việc làm góp phần thể hiện tinh thần dân tộc, lan tỏa lòng yêu nước. Tuy nhiên, khi thực hiện người dân cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để đảm bảo sự tôn nghiêm, tính trang trọng đối với hình ảnh Cờ Tổ quốc