1. Chơi hụi, họ, biêu, phường là gì?
Theo Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về họ, hụi, biêu, phường như sau:
1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
2. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Bản chất của việc chơi hụi không có lãi gần giống với việc trả góp, nên lợi ích của việc chơi hụi không có lãi đó là có thể nhận được một số tiền lớn để giải quyết vấn đề cá nhân, sau đó sẽ chia đều theo ngày trả dần. Còn đối với việc chơi hụi có lãi, nếu chốt hụi cuối cùng, người chơi hụi có khả năng nhận về số tiền lớn hơn số vốn bỏ ra ban đầu. Tuy nhiên, hiện nay, chơi hụi tồn tại khá nhiều rủi ro, dần biến tướng thành một hình thức huy động vốn với lãi suất cao. Do đó, việc chủ hụi bỏ trốn, chủ hụi giật tiền ngày càng phổ biến. Có thể định nghĩa giật hụi là việc tới kì mở hụi mà không tìm ra chủ hụi.
2. Nguyên tắc tổ chức họ, hụi, biêu, phường
-Việc tổ chức họ phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự:
+ Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
+ Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
+ Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
+ Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
+ Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
– Việc tổ chức họ chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về họ.
– Không được tổ chức họ để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Điều kiện làm thành viên họ, hụi, biêu, phường
– Thành viên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật dân sự.
– Người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi nếu có tài sản riêng có thể là thành viên của dây họ, trường hợp sử dụng tài sản riêng là bất động sản, động sản phải đăng ký để tham gia dây họ thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
– Điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây họ. Dây họ là một họ hình thành trên cơ sở thỏa thuận cụ thể của những người tham gia họ về thời gian, phần họ, thể thức góp họ, lĩnh họ, quyền, nghĩa vụ của chủ họ (nếu có) và các thành viên.
4. Điều kiện làm chủ họ, hụi, biêu, phường
– Chủ họ là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật dân sự.
– Trường hợp các thành viên tự tổ chức dây họ thì chủ họ là người được hơn một nửa tổng số thành viên bầu, trừ trường hợp các thành viên có thỏa thuận khác.
– Điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây họ.
5. Mức xử phạt hành chính khi vi phạm về chơi hụi
Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP có 3 mức xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm quy định về hụi, cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 triệu đồng khi vi phạm các điều sau:
− Con hụi không thông báo về sự thay đổi nơi cư trú cho các thành viên,
− Không thông báo đầy đủ các thông tin về dây hụi cho người mới tham gia,
− Không lập biên bản thỏa thuận về dây hụi hoặc lập biên bản mà không đầy đủ thông tin theo quy định pháp luật,
− Không lập sổ hụi,
− Không giao đủ các phần hụi cho các thành viên hốt hụi tại các kỳ mở hụi,
− Không cho các thành viên xem các thông tin về dây hụi khi có yêu cầu,
− Không giao giấy biên nhận khi thực hiện các giao dịch khi tổ chức dây hụi.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi có các hành vi sau:
− Không thông báo với Ủy ban Nhân dân xã về việc tổ chức dây hụi có giá trị 100.000.000 đồng trở lên ở các kỳ mở hụi,
− Không thông báo với Ủy ban Nhân dân xã khi tổ chức từ 2 dây hụi trở lên.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi có các hành vi sau:
− Lợi dụng việc tổ chức dây hụi mà thực hiện hành vi cho vay nặng lãi vượt quá mức lãi suất được cho phép trong Luật Dân sự,
− Lợi dụng tổ chức dây hụi để tập hợp vốn trái phép.
6. Bị “giật hụi” có kiện đòi được không?
Căn cứ pháp lý: Điều 25 Nghị định 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường
“1. Trong trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
2. Chủ họ, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về họ.”
Theo đó, khi có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, người chơi hụi có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho “vay tiền” lãi nặng; lừa chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; huy động vốn trái pháp luật…
7. Thời gian để giải quyết đơn khởi kiện giật hụi là bao lâu?
Sau khi thương lượng, hòa giải không thành, người chơi hụi có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để đòi lại tiền do bị chủ hụi giật theo trình tự tại khoản 2, khoản 3 Điều 191 Bộ luật Tố tụng Dân năm 2015 như sau:
“2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;
c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.”
Như vậy, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày được phân công, thẩm phán được phân công xét đơn khởi kiện và ra một trong các quyết định: thụ lý vụ án, trả lại đơn khởi kiện, bổ sung hồ sơ khởi kiện. Tuy nhiên thời hạn giải quyết các vụ việc giật hụi trên thực tế khá phức tạp và kéo dài vì khi chủ hụi bỏ trốn thì rất khó tìm ra và lấy lại được tài sản.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Minh Vương gửi đến bạn. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về Quy định Họ, Hụi, Biêu, Phường hiện nay. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:
Công ty Luật TNHH Minh Vương
Địa chỉ: Số 114 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0975.981.094
Email: hangluatminhvuong@gmail.com