Xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con tự nhiên

Thế nào là xác định cha mẹ con? Hậu quả pháp lý là gì ? Các trường hợp xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con tự nhiên là gì? Để cung cấp cho quý bạn đọc biết thêm thông tin, Luật Minh Vương xin cung cấp nội dung Xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con tự nhiên để quý bạn đọc tham khảo.

1. Khái niệm xác định cha mẹ con

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc xác định cha, mẹ, con được hiểu ở cả hai chiều: xác định cha, mẹ cho con và xác định con cho cha, mẹ. Từ góc độ pháp lí, việc xác định cha, mẹ, con được điều chỉnh trong hai trường hợp: con mà cha mẹ là vợ chồng trước pháp luật (có hôn nhân hợp pháp – con trong giá thú) và con mà cha mẹ không phải là vợ chồng trước pháp luật (không có hôn nhân hợp pháp – con ngoài giá thú). Sự điều chỉnh của pháp luật trong việc xác định cha, mẹ, con dựa trên những căn cứ có tính phổ biến, thông thường, phù hợp với thực tế đời sống.

Xác định cha, mẹ, con chính là việc tìm hiểu, nghiên cứu, để tìm ra nguồn gốc xuất thân của một người với tư cách là con, xác định tư cách của một người trong một mối quan hệ với một đứa trẻ hoặc một người đã thành niên với tư cách người cha hoặc người mẹ, một cách rõ ràng và chính xác.

  • Hệ quả pháp lý của việc xác định cha mẹ con

Khi quan hệ cha, mẹ, con được pháp luật công nhận, một hệ quả tất yếu là giữa cha, mẹ và con chính thức xác lập quyền, nghĩa vụ đối với nhau. Với trường hợp quan hệ cha, con hoặc mẹ, con bị phủ nhận bởi một bản án, giữa các chủ thể chấm dứt quyền, nghĩa vụ đối với nhau.

Trong nội dung quan hệ pháp luật quyền làm cha, mẹ và quan hệ cha, mẹ, con mang một yếu tố rất đặc trưng của gia đình Việt Nam đó là xuất phát từ tình cảm yêu thương gắn bó giữa cha mẹ với con cái, giữa các thành viên trong gia đình, tất cả nghĩa vụ và quyền của cha mẹ đối với con đều hướng tới đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh và toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần cho con.

>> Xem thêm: Con ngoài giá thú được hưởng những quyền lợi gì

2. Pháp luật hiện hành về xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con tự nhiên

Xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con tự nhiên bao gồm: việc xác định cha, mẹ cho con khi cha mẹ là vợ chồng và xác định cha, mẹ cho con khi cha me không phải là vợ chồng.

– Xác định cha, mẹ cho con trong trường hợp cha mẹ là vợ chồng trước pháp luật (cha mẹ là vợ chồng hợp pháp)

Việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp cha, mẹ là vợ chồng là dựa theo nguyên tắc suy đoán pháp lý được quy định ở Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có sự sửa đổi cụ thể tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân được công nhận là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng kí kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.”

Theo đó, khác với Luật hôn nhân và gia đình năm 1959, Luật mới này đã dự liệu được về nội dung của nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định cha, mẹ, con trong giá thú cũng như con ngoài giá thú. Như vậy, việc xác định cha, mẹ, con khi cha mẹ là vợ chồng có thể đặt ra các trường hợp:

+ Thứ nhất, con do người vợ sinh ra trước ngày đăng kí kết hôn và được cha mẹ thừa nhận.

+ Thứ hai, con do người vợ có thai trước thời kỳ hôn nhân và sinh ra trong thời kì hôn nhân.

+ Thứ ba, con do người vợ thụ thai và sinh ra trong thời kỳ hôn nhân.

+ Thứ tư, con do người vợ thụ thai trong thời kỳ hôn nhân và sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ khi hôn nhân chấm dứt .

+ Thứ năm, con do người vợ thụ thai trước thời kỳ hôn nhân và sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ hôn nhân chấm dứt.

Trên thực tế còn có những trường hợp người vợ sau khi đã chấm dứt hôn nhân với người chồng rồi mới sinh con. Do đó, trên cơ sở Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có sự sửa đổi, bổ sung thêm quy định. Theo đó, đứa trẻ được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm hôn nhân chấm dứt đứa trẻ được xác định là con chung của hai vợ chồng, người chồng của mẹ đứa trẻ đã chết, hoặc đã ly hôn được suy đoán là cha của đứa trẻ đó.

Tuy nhiên, có những trường hợp quan hệ hôn nhân chấm dứt trước pháp luật, người vợ không đợi sau hạn 300 ngày đã kết hôn với người khác, với những trường hợp này, nếu sau này người vợ sinh con thì đứa con đó sẽ được xác định là “con chung của vợ chồng”, tức là con của người chồng lấy sau theo đúng nguyên tắc suy đoán pháp lý “con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng”, chứ người chồng đã chết hoặc đã ly hôn trước đó không được suy đoàn là cha của đứa trẻ. Cũng theo nguyên tắc này, pháp luật coi sự có mặt của người chồng khi đăng kí khai sinh cho đứa trẻ do vợ mình sinh ra, tại cơ quan hộ tịch là sự mặc nhiên công nhận đứa trẻ đó là con chung của hai vợ chồng.

Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

– Xác định cha, mẹ cho con trong trường hợp cha, mẹ không phải là vợ chồng trước pháp luật (không có quan hệ hôn nhân hợp pháp)

Cha, mẹ của trẻ không có hôn nhân hợp pháp thì con sinh ra là con ngoài giá thú. Vì cha, mẹ của trẻ không có quan hệ vợ chồng được pháp luật công nhận nên việc xác định cha, mẹ cho con ngoài giá thú không căn cứ vào nguyên tắc suy đoán pháp lí mà căn cứ vào sự kiện thực tế xảy ra là thời gian quan hệ chung sống với nhau của cha, mẹ đứa trẻ.

  • Trường hợp việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp

* Về thủ tục: Việc xác định cha, mẹ cho con ngoài giá thú được thực hiện thông qua thủ tục hành chính hoặc thủ tục tư pháp.

Thủ tục hành chính: Theo quy định tại Điều 24 Luật Hộ tịch năm 2014, việc đăng kí nhận cha, mẹ, con được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con. Việc xác định cha, mẹ cho con thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã trong trường hợp việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp.

Điều 25 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: Người yêu cầu đăng kí nhận nộp tờ khai theo mẫu quy định và cung cấp các chứng cứ chứng minh quan hệ cha – con hoặc mẹ – con cho cơ quan đăng cha, me, con Kí hộ tịch. Khi muốn nhận con, người cha, người mẹ có thể đưa ra những chứng cứ để chứng minh đứa trẻ là con mình và cả hai bên đều thừa nhận. Khi đăng kí nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt tại cơ quan đăng kí hộ tịch để thể hiện ý chí của mình đồng ý về việc đăng kí nhận cha, mẹ, con. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào số hộ tịch, cùng người đăng kí nhận cha, mẹ, con kí vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu câu. Theo quy định tại khoản 9 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 thì “trích lục hộ tịch là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân đã đăng kị tại cơ quan đăng kí hộ tịch. Bản chính trích lục hộ tịch được cấp ngay sau khi sự kiện hộ tịch được đăng kí”. Tùy theo yêu cầu của các bên đương sự, Trích lục đăng kí nhận cha – con hoặc nhận mẹ – con được người có thẩm quyền kí, ghi rõ họ tên, chức vụ và đóng dấu. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.

Việc đăng kí nhận cha – con, nhận mẹ – con có hiệu lực kể từ ngày cấp Trích lục. Trên cơ sở đó, họ tên của người đàn ông sẽ được ghi ở cột họ tên cha của đứa trẻ, họ tên của người phụ nữ được ghi trong cột họ tên mẹ của đứa trẻ trong Giấy khai sinh của trẻ. Theo quy định của pháp luật hộ tịch, nếu vào thời điểm đăng kí khai sinh cho trẻ, người cha hoặc người mẹ làm thủ tục nhận con thì Ủy ban nhân dân cấp xã kết hợp việc giải quyết nhận con và đăng kí khai sinh.

  • Trường hợp xác định cha, mẹ, con cho con ngoài giá thú có tranh chấp hoặc không tự nguyện.

Thủ tục tư pháp: Việc xác định cha, mẹ, con có tranh chấp hoặc không tự nguyện sẽ do Tòa án giải quyết. Người có yêu cầu xác định cha cho con hoặc mẹ cho con có nghĩa vụ đưa ra các chứng cứ để chứng minh.

Trong thực tế xét xử, Tòa án có thể dựa trên các sự kiện sau đề xác định quan hệ cha – con: Trong thời gian có thể thụ thai, người mẹ của đứa trẻ và người đàn ông nghi ngờ là cha của đứa trẻ đã chung sống với nhau như vợ chồng. Người mẹ của đứa trẻ đã bị người đàn ông nghi ngờ là cha của đứa trẻ hiếp dâm, cưỡng dâm trong thời kì có thể thụ thai. Có kết quả giám định gen theo thủ tục tụng xác định quan hệ cha – con giữa người đàn ông với đứa trẻ hoặc quan hệ mẹ – con giữa người mẹ với đứa trẻ.

Trường hợp người mẹ sinh con ngoài giá thú mà người đàn ông có quan hệ sinh lý hoặc sống chung với người mẹ đó không nhận con, khi có yêu cầu (theo quy định tại điều 89, 90, 91) thì Toà án nhân dân phải căn cứ vào những chứng cứ là người mẹ đó đã có thai với ai để xác định cha cho con ngoài giá thú.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Minh Vương gửi đến bạn. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về Xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con tự nhiên. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:

Công ty Luật TNHH Minh Vương

Địa chỉ: Số 114 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội

Điện thoại: 0975.981.094

Email: hangluatminhvuong@gmail.com

 

Bạn có thể thích